Thế chấp vay vốn ngân hàng: hoạt động bình thường của chủ đầu tư

Vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM công bố 77  dự án được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng khiến một bộ phận khách hàng đã và đang có ý định mua nhà lo lắng. Lý do băn khoăn là vì họ suy nghĩ rắng chủ đầu tư kém năng lực tài chính mới đi thế chấp ngân hàng bằng dự án của mình.

Theo tôi nhận định, việc công khai các chủ đầu tư thế chấp dự án của mình tại ngân hàng là điều thuận lợi cho khách hàng. Người tiêu dùng có thể nắm rõ thông tin hơn về sản phẩm mình mua. Giữa chủ đầu tư và khách hàng càng minh bạch, thị trường bất động sản sẽ tránh được nhiều rủi ro cho người mua.
Tuy nhiên, do tâm lý lo sợ chủ đầu tư sử dụng vốn thế chấp không đúng mục đích, hay đầu tư dàn trải mất kiểm soát khiến dự án không hoàn thành , người mua nhà sẽ không được bàn giao đúng thời hạn, mất đi khả năng thanh khoản. Điều này sẽ gây ra nợ xấu, khách hàng thiệt hại đặc biệt là các khách hàng đi vay để mua nhà. Đa số ngân hàng khi nhận thế chấp dự án đều phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý chặt chẽ nguồn vốn doanh nghiệp mình đang nhận thế chấp nhưng lại có một bộ phận nhỏ chi nhánh ngân hàng buông lỏng, dễ dãi cho qua nên dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng sai mục đích.
Thực ra, việc chủ đầu tư thế chấp dự án là một hoạt động bình thường trong kinh doanh, sản xuất như bao doanh nghiệp lĩnh vực khác. Nhưng do đặc điểm hoạt động BĐS ở nước ta, các chủ đầu tư phụ thuộc quá lớn vào nguốn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng.
Theo quy định tại khoản 1 điều 147 Luật Nhà ở 2014 thì “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó; trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý. Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở”.

Do vậy, chủ đầu tư đi thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê dự án nếu có văn bản chấp thuận của ngân hàng nhận thế chấp.  Do đó, chủ đầu tư cần công khai thêm thông tin về mục đích thế chấp với văn bản là điều khách hàng nên yêu cầu vì đó là quyền lợi của họ. Đồng thời Sở Tài Nguyên và Môi Trường cần phải có yêu cầu bên ngân hàng thực hiện cơ chế giám sát cơ chế giải chấp để đảm bảo tiến độ bàn giao dự án và làm thủ tục giấy chứng nhận quyền sở hữu cho khách hàng.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn